Giá heo hơi tại miền Bắc
Cụ thể, tại tỉnh Vĩnh Phúc giá heo hơi báo giảm 2.000 đồng/kg xuống mức 57.000 đồng/kg. Còn tỉnh Yên Bái giá heo giảm nhẹ 1.000 đồng/kg xuống 58.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại không thay đổi. Tại tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Ninh Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình giá heo hơi được thu mua với mức 58.000 - 59.000 đồng/kg.
Còn tại Hà Nội, Tuyên Quang giá heo hơi hôm nay đang ở mức thấp 56.000 đồng/kg và 57.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc đang dao động trong khoảng từ 56.000 - 59.000 đồng/kg.
Giá heo hơi ngày 19/7/2021: Người nuôi lo lắng vì giá heo chạm "đáy" vẫn không có người mua? (Ảnh: Internet)
Giá heo hơi tại miền Trung - Tây Nguyên
Cụ thể, tại tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Lâm Đồng, Quảng Nam, Huế giá heo hơi ở mức 60.000 - 65.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Thanh Hóa, Nghê An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận giá heo hơi được thu mua với mức 58.000 - 59.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Bình Định, Đắk Lắk giá heo hơi hôm nay ở mức lần lượt 55.000 đồng/kg và 57.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên dao động trong khoảng từ 55.000 - 65.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Nam
Cụ thể, toàn miền có duy nhất tỉnh Vĩnh Long giá heo hơi hôm nay giảm 1.000 đồng/kg xuống mức 57.000 đồng/kg.
Các địa phương như Cần Thơ, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Kiên Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu, An Giang, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng giá heo hơi hôm nay đi ngang, hiện ở mức 55.000 - 58.000 đồng/kg.
Còn tại thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu giá heo hơi được thu mua với mức thấp 51.000 đồng/kg và 52.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng từ 51.000 - 62.000 đồng/kg.
Người nuôi đứng ngồi không yên vì giá heo chạm "đáy" vẫn không có người mua?
Với giá heo hơi thấp hơn giá thành sản xuất người chăn nuôi đang phải ôm lỗ từ 15.000 đồng – 20.000 đồng/kg heo hơi. Nhiều trang trại vẫn than thở heo rẻ nhưng không có người thu mua.
Ông Bùi Văn Duyên, người nuôi heo ở huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai, cho biết: Hiện nay, đa số người nuôi heo gặp khó khăn trong khâu xuất chuồng vì dịch bệnh.
Ông Duyên nói rằng, dịch bệnh, ai không có vốn, đang mua cám từ đại lý sẽ nợ chồng nợ, thua lỗ rất nặng. Nếu ai may mắn dư giả không phải vay mượn tiền mua heo giống và cám thì phần nào đỡ vất vả hơn.
"Tôi giờ chỉ mong heo hơi lên trên 70.000 đồng/kg và dịch được dập để cuộc sống ổn lại. Chứ hai năm qua khổ quá rồi" - ông Duyên than thở.
Đồng cảnh ngộ với ông Duyên, gia đình anh Nguyễn Văn Tám (ngụ huyện Định Quán, Đồng Nai) đang "ngồi trên đống lửa" khi giá heo dưới giá thành sản xuất, phải ôm lỗ. Trong khi tiền nợ đại lý cám và nợ ngân hàng của gia đình anh ngày càng chồng chất.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai - cho biết: Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 tại "tứ giác kinh tế" đang phức tạp. Đa số tiểu thương, thương lái, chợ đầu mối, chợ truyền thống,… đều ở trong vùng dịch.
Bên cạnh đó, thì tài xế, phương tiện muốn lưu thông qua lại các tỉnh, thành phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (thời hạn chỉ có 3 ngày) nên rất khó khăn, tốn kém.
Ngoài ra, các trang trại heo ở Đồng Nai đa số nằm tại huyện Thống Nhất, Xuân Lộc, Trảng Bom - đều là địa phương đang có dịch. Vì vậy việc vận chuyển, thu mua heo phần nào bị hạn chế hơn so với trước nên heo chỉ xuất chuồng lẻ tẻ,…
Dịch bệnh khiến người chăn nuôi gia súc, gia cầm gặp khó khăn đủ đường vì giá thành đang cao hơn giá bán.
Hiện nay số lượng heo trên địa bàn tỉnh vẫn trên 2,4 triệu con, đa số đều đang ở vùng có dịch. Nhiều tài xế gặp khó khăn, chùn chân không muốn thu mua heo do chi phí vận chuyển đội lên cao.
"Trước thực tế trên, chúng tôi đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ nhưng e là khó vì nguyên nhân chính vẫn là do dịch Covid-19. Hiện chỉ có thể dập được dịch mọi thứ mới sớm ổn định trở lại. Tôi nghĩ người dân cả nước phải được tiêm vaccine Covid-19 để tạo nên hệ miễn dịch cộng đồng, từ đó mới có thể đưa giá cả thị trường đi vào đúng guồng" - ông Công nói.